Loạt bệnh nguy hiểm do không đeo găng tay làm việc nhà, chế biến thực phẩm
Không đeo găng tay thường xuyên khi rửa chén, giặt đồ, chế biến thực phẩm… là nguyên nhân chính gây ra các căn bệnh nguy hiểm ngoài da, thậm chí là tiềm ẩn các mối nguy hại cho sức khỏe cả gia đình. Dưới đây là thống kê các căn bệnh ai cũng có thể gặp phải, đặc biệt là các chị em nội trợ do chủ quan không đeo găng tay khi làm việc hằng ngày.
1/ Viêm da dị ứng khi rửa chén, giặt đồ, rửa cọ nhà vệ sinh
Các hóa chất tẩy rửa có trong nhiều sản phẩm mà chị em nội trợ phải sử dụng hằng ngày như nước rửa chén, xà phòng, nước rửa bồn cầu, nước lau sàn.. là một trong nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm da dị ứng, căn bệnh nguy hiểm với các dấu hiệu cơ bản sau:
- Da nóng
- Ngứa rát (ngứa nhiều vào buổi tối)
- Da dày, khô căng, tróc vảy từng mảng
- Xuất hiện sẩn nhỏ
- Các mảng da màu đỏ, xám xuất hiện ở nhiều nơi, khi gãi sẽ sưng lên
- Lộ rõ các đường nứt nẻ trên da
Đa phần bệnh dễ xuất hiện ở những người có cơ địa dị ứng (dị ứng với nhiều chất khi tiếp xúc trong thời gian ngắn). Bệnh thường xuất hiện chậm từ 12-72h sau khi tiếp xúc và giảm dần nếu da không còn tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Tùy thuộc vào cơ địa và nồng độ hóa chất tiếp xúc mà mức độ nặng nhẹ sẽ khác nhau. Trường hợp nhẹ cấp tính, da vùng viêm chỉ mẩn đỏ, sưng phù, xuất hiện mụn nước, bóng nước. Khi bệnh sang giai đoạn mạn tính, da thường khô, bong vảy, nứt nẻ kèm ngứa và đau dữ dội, chưa kể bệnh khiến chị em mất tự tin khi tiếp xúc với người khác.
Chính vì thế, dù cơ địa có thuộc dạng dị ứng hay không, tốt nhất, chị em nên đeo găng tay khi làm việc, đặc biệt là các công việc yêu cầu tiếp xúc với hóa chất như rửa bát, giặt đồ, lau sàn, vệ sinh nhà cửa…
2/ Viêm da tiếp xúc kích ứng khi tay tiếp xúc hóa chất thường xuyên.
Nếu viêm da dị ứng thường xuất hiện ở những người có cơ địa dị ứng trong thời gian ngắn thì viêm da tiếp xúc hay còn gọi là chàm lại có thể gặp ở bất cứ ai, đặc biệt là các chị em nội trợ khi phải thường xuyên tiếp xúc với nước, chất tẩy rửa, dung môi, axit, kiềm, keo, hóa chất kim loại từ dạng lỏng đến cọ xát.. mà không đeo găng tay bảo vệ.
Bệnh thường kéo dài với mức độ nguy hiểm cao với các dấu hiệu như đỏ, sưng phù, mụn nước, bọng nước, bong vảy… Tùy thuộc theo nồng độ và độ mạnh của chất gây kích ứng, thời gian, số lần tiếp xúc, môi trường và mức độ nhạy cảm của da mà các biểu hiện sẽ nặng nhẹ khác nhau.
3/ Viêm da quanh móng do nấm ký sinh
Thạc sĩ Võ Quang Định, giảng viên bộ môn Da Liễu, ĐH Y dược Tp. HCm cho biết, việc lạm dụng xà phòng, thuốc tẩy làm da tay mất đi vẻ đẹp vốn có, thậm chí biến da thành nơi để nấm phát triển. Nấm sống ký sinh trên da, khi môi trường thay đổi chúng phát triển mạnh, nhất là vùng móng gây biến dạng móng…
Viêm da quanh móng khởi điểm ở một nếp móng, sau đó lan dần qua nhiều nếp khác, tiến triển chậm, kéo dài nhiều tháng, năm. Nếp móng bị tổn thương sẽ bị sưng phù, đỏ, nhô cao và tách ra khỏi đĩa móng. Ở nhiều trường hợp, đĩa móng có thể biến dạng và có rãnh ngang khi phát triển, đổi sang màu vàng hoặc xanh, dễ gãy. Sau khi hồi phục, phải mất đến 1 năm móng mới mọc lại bình thường.
Bên cạnh viêm da quanh móng mạn tính, một tình trạng được gọi là do viêm da quanh móng do Candida cũng thường gặp. Bệnh do nhiều vi sinh vật hoặc các bệnh gây viêm da khác như viêm da tiếp xúc, vẩy nến. Thường gặp nhất là sự kết hợp giữa vi nấm chủng Candida và vi trùng gram âm. Bệnh thường gặp ở những người mà bàn tay thường xuyên tiếp xúc với nước như nông dân, đánh cá, nội trợ và bán nước giải khát.
4/ Nhiễm trùng khi có vết thương hở gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.
Công việc nội trợ gần như bắt buộc chị em phải tiếp xúc với nhiều hóa chất, các thực phẩm tươi sống, các chất bẩn… Trong quá trình làm việc, việc bị vết trầy xước gây ra các vết thương hở là điều thường thấy. Chính vì vậy, nếu không đeo găng tay bảo vệ sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, sưng mủ, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm về lâu về dài.
5/ Tay tê cứng, nổi mề đay, cước tay… vào mùa đông
Khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp kèm theo gió lạnh sẽ khiến da tay bạn gặp phải tình trạng buốt và tê cứng. Đặc biệt, nếu tiếp xúc với nước lạnh mà không đeo găng tay sẽ dễ dẫn đến các hiện tượng như nổi mề đay, cước tay… Các hiện tượng này không đơn thuần gây khó chịu tức thời, khi tay tê cứng sẽ làm ảnh hưởng đến các mạch máu, vô cùng nguy hiểm đối với những người gặp phải các bệnh về tim mạch, nhất là khi đang lái xe. Cước tay làm tay sưng buốt, ngứa, khô và nứt nẻ đi kèm đau nhức… Nếu không chữa trị bệnh sẽ dẫn đến phù nề, viêm loét da…
6/ Các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa
Nhiều trường hợp cả gia đình bị ngộ độc thực phẩm, mắc các bệnh về đường tiêu hóa do người nội trợ không đeo găng tay, khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn chéo, đặc biệt là các thực phẩm tươi sống…Do đó, khi làm việc nhà hay chế biến thực phẩm, chị em đừng chủ quan mà hãy đeo găng tay cẩn thận.
Găng tay là thiết bị bảo hộ cơ bản được trang bị để bảo vệ đôi tay người lao động trước các tác nhân gây hại bên ngoài. Thế nhưng, nhiều người chỉ chăm chăm vào vai trò của chúng trong các lĩnh vực như y tế, điện tử, sản xuất hóa chất, chống cháy… Mà thường ngó lơ với các vai trò cơ bản như ngăn ngừa tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa hằng ngày khi rửa chén bát, giặt đồ, lau bồn cầu, sàn nhà… Chỉ đến khi phát hiện bệnh mới tá hỏa do chủ quản. Chính vì vậy, phòng bệnh hơn chữa bệnh, tốt nhất mỗi người, đặc biệt là các chị em phụ nữ khi làm việc nhà, chế biến thực phẩm… cần đeo găng tay bảo vệ để đảm bảo an toàn cho bản thân và sức khỏe cả gia đình.
Không có nhận xét nào